Xã hội hóa hoạt động đầu tư lĩnh vực bảo vệ môi trường
Để đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế về bảo vệ môi trường, Nhà nước đang tích cực xây dựng và ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư. Từ năm 2006, ngân sách cho bảo vệ môi trường đã được Chính phủ bố trí thành một nguồn riêng (chi sự nghiệp môi trường), không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Trong giai đoạn 2006-2011, vốn đầu tư phát triển trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã tăng khoảng 2 lần, từ 1.429 tỷ đồng năm 2006 lên 2.954,3 tỷ đồng vào năm 2011. Bình quân trong cả giai đoạn 5 năm (2006-2011), vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường đạt khoảng 2% tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách Nhà nước. Trong đó, nguồn vốn Trung ương bình quân đạt khoảng 19%, địa phương đạt khoảng 81%.
![Dạy trẻ ý thức bảo vệ môi trường từ nhỏ. Ảnh minh họa](http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/bd/a4/89/khoa_hoc.jpg) |
Dạy trẻ ý thức bảo vệ môi trường từ nhỏ. Ảnh minh họa |
Ngoài nguồn vốn Trung ương và địa phương, trong giai đoạn 2006-2011, nguồn vốn ODA dành cho công tác bảo vệ môi trường đạt khoảng 2.914 triệu USD (trong đó vốn vay là 2.856 triệu USD, viện trợ không hoàn lại là 58 triệu USD). Riêng năm 2011, giá trị giải ngân của các chương trình, dự án bảo vệ môi trường đạt khoảng 259,3 triệu USD (trong đó vốn vay là 249,7 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại đạt 9,6 triệu USD).
Nhờ đó, một số chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung bảo vệ môi trường được triển khai như nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trồng 5 triệu ha rừng, cải thiện nhà vệ sinh cho hộ nghèo đã giải quyết, xử lý được một phần những hiện tượng ô nhiễm môi trường trên toàn quốc.
Tuy vậy, nguồn vốn đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu đầu tư. Tỷ trọng phân bổ nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương cũng còn bất cập. Môi trường ở các khu công nghiệp, làng nghề, khu đô thị có mật độ dân số cao… vẫn tiếp tục bị xuống cấp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Ngoài ra, hầu hết các địa phương sử dụng biện pháp chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của công tác này, chúng ta tăng cường hoạt động đầu tư lĩnh vực bảo vệ môi trường bằng nguồn vốn xã hội hóa có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư cho bảo vệ môi trường; xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về chính sách ưu đãi về đất đai, vốn, thuế, tín dụng cho các hoạt động bảo vệ môi trường cụ thể; hoàn thiện công tác quy hoạch ngành. Đặc biệt, chúng ta nên quy hoạch một số vấn đề bức xúc còn tồn đọng như quy hoạch các bãi chôn lấp, xử lý rác thải.
Các đơn vị tổ chức truyền thông tổ chức diễn đàn kêu gọi đầu tư vào các công trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường, tăng cường cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Chính phủ và địa phương nên đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường để huy động tối đa nguồn lực trong xã hội cho công tác này. Ngành tài nguyên và môi trường xác định rõ lĩnh vực Nhà nước cần thực hiện, những lĩnh vực cần kêu gọi các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh; xây dựng và thực hiện mô hình hợp tác công tư Nhà nước và nhân dân cùng làm trong bảo vệ môi trường, đặc biệt trong việc khắc phục, cải tạo các điểm nóng về môi trường.
Nhà nước cân đối, bố trí các nguồn vốn ODA, vốn tín dụng trong kế hoạch ngân sách hàng năm cho công tác xã hội hóa về môi trường, tạo điều kiện về thủ tục hành chính để các tổ chức, cá nhân tham gia sâu rộng vào loại hình xã hội hóa.
Huy động nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức và cá nhân để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, con đường, bãi xử lý chất thải hợp vệ sinh, công trình cấp thoát nước đạt tiêu chuẩn…
Tăng cường công tác giám sát đầu tư, đảm bảo sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường.
Nguyễn Tuấn Dũng