Lợi ích lớn
Kiểm toán chất thải là công cụ hữu ích được sử dụng để xác định loại và khối lượng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, giúp doanh nghiệp đưa ra giải pháp giảm lượng thải hoặc tái sinh, tái chế, tái sử dụng chất thải nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và cải thiện, nâng cao hiệu quả sản xuất, ngăn ngừa, giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Có thể nói, KTCT là một lĩnh vực chuyên sâu của kiểm toán môi trường (KTMT), được tiêu chuẩn hóa bằng ISO 14010 và ISO 14011:1996.
KTCT giúp giảm kinh phí đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, từ đó tăng lợi nhuận và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Những điều đó cho thấy, thực hiện KTCT góp phần đảm bảo việc tuân thủ chi phí-lợi ích không chỉ đối với luật pháp mà còn đối với các tiêu chuẩn về quản lý môi trường theo yêu cầu của các thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, KTCT còn ý nghĩa giảm thiểu rủi ro, sự cố, đồng thời giúp nâng cao uy tín cũng như vị thế của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với những ngành công nghiệp liên quan đến xuất khẩu. Khi các đối tác nước ngoài đến làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, điểm quan tâm đầu tiên của họ là hoạt động bảo vệ môi trường, điều đó giống như sự bảo lãnh để họ có thể tiếp tục đàm phán và hợp tác.
Theo các chuyên gia tư vấn môi trường, không chỉ có các doanh nghiệp quy mô lớn mới có điều kiện triển khai KTCT, mà cả các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa cũng có thể làm được vì chi phí đầu tư cho KTCT không nhiều so với lợi ích mà nó mang lại. Thông qua kiểm toán, doanh nghiệp biết có thể tiết kiệm điện, nước ở khâu nào, giảm thất thoát nguyên liệu ở khâu nào…
Chưa phát huy hiệu quả
Ở Việt Nam hiện nay, KTMT và KTCT đã được đưa vào giảng dạy ở một số trường đại học và cao đẳng trong cả nước, song chưa nhiều và mới chỉ dừng ở các vấn đề tổng quát mà chưa đi sâu vào các lĩnh vực cụ thể. Việc áp dụng KTCT trong các cơ sở sản xuất cũng mới dừng ở một vài dự án thí điểm như: Kiểm soát ô nhiễm môi trường của UNDP năm 1995 ở một số nhà máy tại Việt Trì và Biên Hòa; đề tài Điều tra, đánh giá đề xuất việc KTCT công nghiệp tại 5 khu công nghiệp, khu chế xuất của Cục Bảo vệ môi trường năm 2005; đề tài Nghiên cứu áp dụng KTCT trong công nghiệp quốc phòng của Trung tâm Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ Quân sự (Bộ Quốc phòng) năm 2004; đề tài KTCT tại các làng nghề tái chế kim loại và đề xuất một số biện pháp giảm thiểu ô nhiễm của Viện Khoa học Công nghệ Môi trường - Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2005…
Nguyên nhân của tình trạng số lượng doanh nghiệp áp dụng KTCT cũng như sản xuất sạch hơn (ISO 14000) còn thấp là do Nhà nước chưa có những chính sách cụ thể để trực tiếp hoặc gián tiếp bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện. Ngoài ra, nhận thức và hiểu biết về KTCT và các lợi ích mà nó mang lại cũng chưa cao. Các quy trình KTCT chưa được nghiên cứu, xây dựng cho các ngành công nghiệp như ở một số nước trên thế giới. Các sổ tay hướng dẫn kỳ thuật về KTCT chưa được ban hành và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ở nước ta cũng chưa có các nghiên cứu đề xuất chính sách khuyến khích áp dụng KTCT trong quản lý môi trường.
Hiện Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên & Môi trường được Nhà nước giao thực hiện dự án Áp dụng thử nghiệm KTCT trong quản lý môi trường ngành công nghiệp Việt Nam. Từ năm 2009 đến 2012, dự án được thực hiện tại 10 cơ sở đại diện cho 10 ngành công nghiệp (dệt may, giấy, thuộc da, bia, phân lân, ăcquy, thép, xi măng, chế biến thủy sản và cao su thương phẩm) nhằm xây dựng quy trình KTCT để áp dụng trong quản lý môi trường ngành công nghiệp nói chung và cho 10 ngành sản xuất công nghiệp này nói riêng. Ngoài ra, dự án còn nghiên cứu đề xuất chính sách áp dụng KTCT trong quản lý môi trường ở nước ta, đồng thời xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng KTCT trong sản xuất công nghiệp.