Sản phẩm dịch vụ tiêu biểu
Tìm kiếm
Loading
Liên kết hữu ích

Môi trường trong nước

Du lịch Hà Nội giảm hấp dẫn vì bụi

Môi trường được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, qua đó ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách và sự tồn tại của hoạt động này.

Ở Hà Nội, ô nhiễm không khí nói chung và ô nhiễm bụi nói riêng đang là vấn đề đáng cảnh báo đối với ngành du lịch. Điều đáng lo ngại, ô nhiễm bụi đang làm xấu đi hình ảnh của Thủ đô trong lòng du khách. Nó làm biến đổi cảnh quan nhiều khu vực, tuyến phố du lịch. Không những vậy, bụi còn ảnh hưởng đến sức khỏe của du khách tham quan. Nhiều nơi quá ô nhiễm bụi nên không thể tổ chức được các tour du lịch. Ô nhiễm bụi đã làm cho môi trường du lịch Hà Nội mất điểm trong mắt du khách.

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Hà Nội nằm trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm bụi cao nhất trong khu vực châu Á và trên thế giới. Báo cáo về hiện trạng môi trường Hà Nội năm 2011 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tình trạng ô nhiễm bụi đang ở mức báo động đỏ và ngày càng trầm trọng, với khoảng 60% tuyến đường có nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ hai đến hàng chục lần.

Trong những năm gần đây, nồng độ bụi khí cao bất thường, thời gian nắng nóng dài hơn. Tại 250 điểm đo kiểm thì có tới 180 điểm đo (chiếm 72%) có hàm lượng bụi lơ lửng vượt tiêu chuẩn cho phép (TCVN 5937-2005). Ví dụ, đường Nguyễn Trãi có nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép tới 11 lần; đường Nguyễn Văn Linh vượt 10,8 lần; ngã ba Tam Trinh - Lĩnh Nam vượt 5,2 lần; đường 428 - Pháp Vân tại ngã ba Guột vượt 4,4 lần; đường Phạm Văn Đồng vượt 3,6 lần.

Một loạt các “phố bụi” khác như Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Kim Giang, Khương Đình có nồng độ bụi cao gấp từ 3,8 đến 6,3 lần so với tiêu chuẩn. Khu vực Hà Nội mới, tình trạng ô nhiễm không khí do bụi cũng trong tình trạng báo động. Trên nút giao của đường 71 và đường 32 trên địa bàn huyện Đan Phượng, hàm lượng bụi đo được vượt tiêu chuẩn 6,3 lần; nút giao đường Láng - Hòa Lạc và đường 21 tại huyện Thạch Thất vượt 4 lần; ngã ba 429 tại thị trấn Phú Minh huyện Phú Xuyên vượt 5,5 lần. Các khu vực như Sơn Lộc (Sơn Tây); dọc quốc lộ 32; đường cao tốc Láng - Hòa Lạc; thị trấn Chúc Sơn, Xuân Mai, Miếu Môn thuộc huyện Chương Mỹ; Phùng Xá thuộc Thạch Thất... đều có hàm lượng bụi cao gấp 4 lần tiêu chuẩn cho phép.Đánh giá nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm trên, đa số các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý cho rằng, ô nhiễm bụi ở Hà Nội trở nên nghiêm trọng như hiện nay do tốc độ đô thị hóa nhanh; còn tồn tại trong nội đô nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp không đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường... Mật độ dân cư và phương tiện đi lại của người dân quá đông cộng với ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận không nhỏ người dân rất kém; nhiều quy định của pháp luật về quản lý đô thị chưa được thực hiện nghiêm minh... cũng góp phần tăng ô nhiễm. 

Ô nhiễm môi trường đang làm du lịch Việt Nam mất điểm trong mắt bạn bè quốc tế.
Ô nhiễm môi trường đang làm du lịch Việt Nam mất điểm trong mắt bạn bè quốc tế.

 Bởi vậy, ô nhiễm bụi đang là nguy cơ làm giảm nhanh lượng khách nước ngoài “khó tính” đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Theo thống kê của ngành du lịch Hà Nội, số lượng khách du lịch nước ngoài quay trở lại tham quan, du lịch Hà Nội lần hai không nhiều, tỷ lệ rất thấp. Có nhiều lý do khác nhau được đưa ra nhưng trong đó có một lý do là họ cảm thấy thất vọng vì tình trạng ô nhiễm. Ô nhiễm bụi, ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người còn gây ra các thiệt hại to lớn về mặt kinh tế cho Hà Nội, ước tính khoảng 200 - 500 tỷ đồng (12 - 31 triệu USD) mỗi năm, trong số đó ngành du lịch cũng bị thiệt hại không nhỏ.

Xử lý ô nhiễm bụi, nâng cao chất lượng môi trường đảm bảo cho phát triển bền vững du lịch của Thủ đô là vấn đề rất quan trọng nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, chúng ta cần thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường cho người dân; kết hợp cả biện pháp kinh tế và biện pháp hành chính trong khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm bụi.

Thành phố cần tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí, tập trung những khu vực ô nhiễm trọng điểm (khu vực nội thành, khu đô thi mới...) để từ đó đưa ra những biện pháp khắc phục. Chúng ta cần xây dựng cơ chế xử phạt thật nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy tắc bảo vệ môi trường, là nguồn gốc gây nên ô nhiễm bụi; phát huy vai trò, chức năng của các Cơ quan Quản lý Nhà nước trong việc khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm bụi trên địa bàn thành phố.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần quy định cho các công ty lữ hành phải nghiêm túc thực hiện các quy tắc về bảo vệ môi trường trong thực hiện hoạt động du lịch, xây dựng các tour du lịch xanh, thân thiện với môi trường, động viên họ tích cực tài trợ, đóng góp cho quỹ bảo vệ môi trường của thành phố. Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội và các đơn vị đảm trách công tác vệ sinh môi trường tại quận, huyện, thị xã tăng cường quét hút, rửa đường.

Liên ngành Giao thông vận tải - Công an thành phố mà trực tiếp là lực lượng Cảnh sát môi trường nên kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền giáo dục, kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm. Các lực lượng thanh tra xây dựng, giao thông vận tải, cảnh sát môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc chống bụi ngay tại các công trường xây dựng, các bãi khai thác, trung chuyển cát sỏi. Đồng thời, các cấp lãnh đạo cũng nên xử phạt nặng đối với các trường hợp đổ đất thải, phế thải không đúng nơi quy định; thành lập tổ kiểm tra tình hình vệ sinh môi trường ở các quận, huyện...

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi hiện nay, Hà Nội cần sử dụng đồng bộ các giải pháp khác nhau. Hy vọng rằng, những biện pháp mạnh kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tình trạng ô nhiễm bụi trên địa bàn Thủ đô sẽ từng bước được khắc phục, môi trường thành phố sẽ được cải thiện xanh, sạch, đẹp hơn.